Nguyên nhân & triệu chứng thường gặp nhất của viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là bệnh dị ứng của toàn thân có biểu hiện tại chỗ, thường biểu hiện bằng những cơn hắt hơi, sổ mũi, tắc mũi. Đó không phải là bệnh riêng của cơ quan mũi mà là hiện tượng dị ứng toàn thân có biểu hiện tại chỗ.
Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra
Do tiếp xúc với dị nguyên.
Dị nguyên đường thở bụi nhà, nấm mốc, vải sợi, lông súc vật, phấn hoa…
Dị nguyên thực phẩm: trứng, sữa, các loại hải sản (tôm, cua, sứa….), một số loại quả: dâu, dứa… Dị nguyên là các loại thuốc chữa bệnh: đặc biệt là kháng sinh, aspirin, quinin…
Dị nguyên là vi khuẩn: liên cầu, tụ cầu, trực khuẩn coli. Ở châu Âu, dị nguyên hàng đầu hay gặp nhất là phấn hoa, bụi nhà. Ở Việt Nam, dị nguyên hay gặp nhất là bụi nhà, chiếm 83% số bệnh nhân viêm mũi dị ứng tại khoa dị ứng miễn dịch Viện tai – Mũi – Họng.
Một người có thể bị viêm mũi dị ứng nhiều lần trong năm. Gặp những bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen phế quản và chàm sơ sinh có đặc tính gia đình và sự di truyền. Sự quá mẫn: của từng cơ thể cũng có vai trò cơ bản, trước cùng một dị nguyên có xảy ra hiện tượng dị ứng hay không và phản ứng mạnh hay nhẹ.
Triệu chứng
Viêm mũi cấp tính thường gây thương tổn đồng thời cả 2 bên mũi. Các triệu chứng cơ bản là: chảy mũi nhiều và ngạt mũi, những triệu chứng này có thể biểu hiện ở các mức độ khác nhau tuỳ thuộc giai đoạn của bệnh cũng như tình trạng niêm mạc mũi trước đó. Người ta chia tiến triển của viêm mũi cấp tính thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1
Bệnh khởi đầu không có rối loạn gì đáng kể về tình trạng toàn thân. Hắt hơi, cảm giác nóng rát và nhức trong họng nhất là ở họng mũi, đôi khi khàn tiếng, thường sốt nhẹ. Trong giai đoạn đầu này, cảm giác chủ yếu là khô họng và họng mũi, niêm mạc nề đỏ và khô.
Giai đoạn 2
Sau một vài giờ thậm chí một vài ngày hình ảnh lâm sàng sẽ thay đổi, giảm phù nề niêm mạc, niêm mạc trở nên ẩm và bắt đầu xuất tiết nhiều niêm dịch, bệnh nhân thấy dễ chịu hơn.
Giai đoạn 3 (giai đoạn làm mủ)
Dịch xuất tiết trở thành niêm dịch mủ do pha trộn với các thành phần biểu mô và bạch cầu thoái hoá. Sau đó số lượng dịch tiết giảm dần, viêm niêm mạc nhanh chóng được thanh toán và qua 7 – 10 ngày thì hoàn toàn hồi phục lại. Đối với những người có tình trạng teo niêm mạc mũi, có thể không ngạt mũi hoàn toàn, thời gian của giai đoạn cấp tính ngắn hơn, mặc dù sau đó có thể tăng cảm giác khô và kích thích niêm mạc mũi trong một thời gian dài. Ngược lại với người có tình trạng quá phát niêm mạc mũi thì biểu hiện rõ nhất là phù nề và xuất tiết ở niêm mạc sẽ mạnh hơn nhiều.
Ở giai đoạn đầu của viêm mũi cấp tính, bệnh nhân có cảm giác nặng đầu do đó khó tập trung tư tưởng làm việc trí óc. Do phù nề niêm mạc nên thay đổi giọng nói, ngửi kém do ngạt mũi gây ra hoặc do quá trình viêm lan vào vùng khứu giác. Về sau thường xuất hiện đau vùng trán và ổ mắt, cho hay đã có biểu hiện đồng thời của viêm xoang, xuất tiết mũi làm da vùng cửa mũi trở nên đỏ và dễ phù nề, thường xuất hiện những vết nứt nhỏ, cùng hay gặp viêm kết mạc do viêm nhiễm lan qua đường dẫn lệ và viêm tai giữa cấp tính (do viêm lan qua vòi tai). Viêm mũi cấp tính ở trẻ em còn bú có thể nghiêm trọng.
Những tháng đầu do đặc điểm về cấu trúc và chức năng của hệ thần kinh trung ương, sự thích nghi với những thay đổi của môi trường bên ngoài ở trẻ kém hơn so với người lớn. Hốc mũi trẻ trong những năm đầu thường rất nhỏ, thậm chí chỉ hơi phù nề một chút cũng dẫn tới ngạt mũi. Do vậy không những rối loạn thở mà còn làm cho trẻ bú khó khăn. Trẻ gầy, hay quấy khóc, ngủ ít, hay bị sốt, viêm nhiễm có thể lan tới hàm ếch, thanh khí, phế quản và phổi. Những biến chứng này gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn.