Vaccin là giải pháp hiệu quả nhất phòng ngừa sởi!
Từ đầu năm 2025 đến nay, số ca mắc sởi gia tăng tại nhiều địa phương, trong đó đã có 6 trường hợp tử vong trên cả nước. Điều đáng lo ngại là hầu hết các ca bệnh nhập viện đều chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ. Một trong những nguyên nhân chính là sự do dự hoặc chống đối vaccine của nhiều bậc cha mẹ. Đây là hồi chuông cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng khi tỷ lệ tiêm chủng giảm, đẩy trẻ vào nguy hiểm.
Vai trò của vaccine trong kiểm soát dịch sởi
Trước khi có vaccine, sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, sởi đã từng được kiểm soát, giúp bảo vệ hàng triệu trẻ em. Vaccine sởi đã được chứng minh có hiệu quả phòng bệnh lên đến 97% nếu tiêm đủ hai liều. Việc tiêm chủng không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn giúp duy trì miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tuy nhiên, những năm gần đây, phong trào chống vaccine (anti-vaccine) phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Điều này khiến tỷ lệ tiêm chủng sụt giảm, tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm quay lại và bùng phát. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do dự vaccine là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu.
Bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết các nguyên nhân dẫn đến do dự vaccine bao gồm:
- Lo ngại về an toàn và tác dụng phụ của vaccine do thiếu thông tin chính xác.
- Tâm lý chủ quan, cho rằng bệnh truyền nhiễm hiện nay đã hiếm gặp hoặc không còn nguy hiểm.
- Ảnh hưởng từ truyền thông và mạng xã hội, lan truyền các thông tin sai lệch về vaccine.
- Yếu tố tôn giáo, văn hóa, niềm tin cá nhân, một số người tin rằng cơ thể có thể tự chống chọi với bệnh tật.
Phong trào chống vaccine không chỉ gây nguy hiểm cho từng cá nhân mà còn tạo ra những tác động tiêu cực đến toàn xã hội. Khi nhiều người từ chối tiêm chủng, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng suy giảm, khiến dịch bệnh có cơ hội lây lan mạnh mẽ hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến những người chưa được tiêm vaccine mà còn đẩy những nhóm có nguy cơ cao như trẻ sơ sinh, người già, người suy giảm miễn dịch vào tình trạng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, sự gia tăng số ca mắc bệnh do không tiêm vaccine gây áp lực lớn lên hệ thống y tế. Các bệnh lý có thể phòng ngừa bằng vaccine như sởi, ho gà, bạch hầu, khi bùng phát trở lại, sẽ làm gia tăng số ca nhập viện, kéo theo chi phí điều trị cao hơn và nguy cơ xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm hơn.
Bệnh sởi nguy hiểm thế nào?
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm có mức độ nguy hiểm cao, không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Virus sởi có khả năng tấn công hệ thần kinh, gây rối loạn vận động, làm tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Một số biến chứng như viêm não, viêm màng não hay thậm chí mù lòa có thể kéo dài suốt đời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

Đặc biệt, sởi còn được biết đến với khả năng làm suy giảm trí nhớ miễn dịch, khiến cơ thể mất đi khả năng nhận diện và chống lại các tác nhân gây bệnh từng gặp trước đó. Theo nghiên cứu của nhà di truyền học Stephen Elledge tại Đại học Harvard (2019), virus sởi có thể phá hủy từ 11% đến 73% kháng thể trong cơ thể trẻ em, làm hệ miễn dịch trở nên yếu ớt như một đứa trẻ sơ sinh. Hậu quả là người mắc sởi dễ bị nhiễm các bệnh khác và có nguy cơ gặp biến chứng nặng, thậm chí tử vong.
Đối tượng có nguy cơ mắc sởi cao
Những ai chưa có miễn dịch với sởi đều có thể mắc bệnh. Virus sởi lây lan mạnh trong môi trường tập thể như nhà trẻ, trường học, khu dân cư đông đúc. Đặc biệt, trẻ dưới 9 tháng tuổi – khi chưa đủ điều kiện tiêm vắc xin và không còn miễn dịch từ mẹ – thuộc nhóm có nguy cơ cao nhất. Ngoài ra, những người chưa từng mắc sởi hoặc chưa được tiêm phòng đầy đủ cũng rất dễ bị nhiễm bệnh. Đối với trẻ suy dinh dưỡng hoặc người có hệ miễn dịch suy giảm, nguy cơ biến chứng và tử vong do sởi càng cao hơn.

Người trưởng thành thường ít mắc sởi do đã từng nhiễm bệnh từ nhỏ, tạo nên miễn dịch bền vững suốt đời. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có thể mắc bệnh, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa – nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Hiện nay, sởi vẫn là một căn bệnh phổ biến tại nhiều quốc gia, đặc biệt ở các khu vực có hệ thống y tế kém phát triển như Châu Phi, Trung Đông và một số nước Châu Á. Tỷ lệ tử vong do sởi dao động từ 0,02% ở các nước phát triển đến 0,3-0,7% ở các quốc gia đang phát triển, nơi việc triển khai tiêm chủng còn gặp nhiều khó khăn.
Chủ động phòng bệnh bằng tiêm vaccine
Cách bảo vệ hiệu quả nhất trước bệnh sởi là tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch. Tại Việt Nam, hiện có ba loại vaccine phòng sởi gồm:
- Vaccine sởi đơn
- Vaccine kết hợp sởi – rubella
- Vaccine sởi – quai bị – rubella
Trẻ từ 9 tháng tuổi cần được tiêm vắc xin sởi theo đúng lịch. Để đảm bảo hiệu quả miễn dịch, trẻ từ 4 đến 6 tuổi cần được tiêm nhắc lại vaccine sởi – quai bị – rubella. Người trưởng thành chưa từng tiêm hoặc không nhớ đã tiêm hay chưa cũng nên chủ động tiêm hai mũi vắc xin để phòng bệnh và bảo vệ cộng đồng. Việc tiêm đủ hai mũi vaccine sởi giúp ngăn ngừa bệnh lên đến 97%.

Ngoài tiêm phòng, mỗi người cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như:
- Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên, vệ sinh mũi, họng, mắt mỗi ngày
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt vào mùa lạnh
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng
Sởi không phải là một căn bệnh nhẹ, và vaccine là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Các bậc cha mẹ cần có trách nhiệm với sức khỏe của con mình, không để những thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến quyết định tiêm chủng. Hãy nhớ rằng, tiêm vaccine không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ để bảo vệ con bạn và cộng đồng khỏi dịch bệnh nguy hiểm!